VCCI và IETA hợp tác tổ chức chương trình hội thảo tập huấn nâng cao năng lực về ETS và liên kết với thị trường carbon quốc tế cho doanh nghiệp.
Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Thương mại Khí thải Quốc tế (International Emissions Trading Association - IETA) và Nhóm đối tác Thương mại Phát triển Thị trường (Business Partnership for Market Implementation - B-PMI) của IETA đồng tổ chức chương trình hội thảo tập huấn “Nâng cao năng lực về Hệ thống Trao đổi Hạn ngạch phát thải (ETS) và liên kết với thị trường carbon quốc tế”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo tập huấn" Nâng cao năng lực về trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) và liên kết với thị trường carbon quốc tế
Đây là sự kiện giúp doanh nghiệp khám phá các cơ hội liên quan đến chương trình giao dịch phát thải mới và hỗ trợ nâng cao năng lực thực hiện hiệu quả trong khuôn khổ thị trường carbon của Việt Nam.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết, sự hợp tác với B-PMI của IETA đã giúp VCCI và nhiều bên liên quan trong ngành công nghiệp địa phương hiểu rõ hơn về vai trò của thị trường carbon tại Việt Nam. Đất nước có tiềm năng lớn để phát triển thấp carbon, nhưng cần tiếp tục xây dựng năng lực.
"VCCI đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các tổ chức đối tác quốc tế, tạo điều kiện tiếp cận thị trường carbon toàn cầu, khám phá các cơ hội giao dịch hạn ngạch phát thải, và tham gia vào các cơ chế trao đổi carbon quốc tế. Những nỗ lực này không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng các cam kết quốc tế mà còn tạo ra các cơ hội mới cho thương mại và đầu tư. VCCI tự hào hỗ trợ các thành viên của mình trong nỗ lực này".
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ tại Hội thảo.
Năm 2022, IETA đã khởi động mô hình B-PMI nhằm hỗ trợ Nhóm đối tác Phát triển Thị trường của Ngân hàng Thế giới (World Bank’s Partnership for Market Implementation – PMI). Sáng kiến này giúp tăng cường thiết kế thị trường carbon, thúc đẩy chia sẻ kiến thức về xu hướng thị trường và chính sách, đồng thời nâng cao tham vọng về khí hậu thông qua các cuộc đối thoại do doanh nghiệp dẫn dắt giữa các doanh nghiệp và chính phủ.
Theo ông Jeff Swartz, đồng chủ tịch của B-PMI và Phó Chủ tịch Chiến lược Carbon Thấp, Quan hệ Pháp lý & Đối tác tại tập đoàn dầu khí BP: “B-PMI là cách tuyệt vời để các công ty thành viên của IETA chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn về thị trường carbon với các công ty tại Việt Nam đang chuẩn bị tham gia vào thị trường carbon ở đây. Việt Nam đang ở thời điểm đầy hứa hẹn để giới thiệu thị trường carbon trong những năm tới, và IETA là đối tác lý tưởng để hỗ trợ sự sẵn sàng của các doanh nghiệp".
Ông Jeff Swartz, Đồng chủ tịch của B-PMI và Phó Chủ tịch Chiến lược Carbon Thấp, Quan hệ Pháp lý & Đối tác tại tập đoàn dầu khí bp
Hội thảo tập huấn hai ngày có sự tham gia của Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính, đại diện Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải, các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế, các tổ chức quốc tế (IFC, GIZ, SNV, World Bank), đại diện các tổ chức tài chính, các Ngân hàng Thương mại, Hiệp hội doanh nghiệp, các khu công nghiệp và hơn 100 đại diện doanh nghiệp từ các ngành công nghiệp địa phương.
Tại sự kiện, đại diện Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Chính phủ đang nỗ lực cải thiện các quy định để tăng cường kiểm kê khí nhà kính phục vụ cho việc phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính để chuẩn bị cho thị trường các-bon thông qua việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Đối tượng phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính là các cơ sở có lượng phát thải cao theo Quyết định 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong tương lai gần (năm 2025), sẽ tiến hành thí điểm đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhiệt điện, thép, xi măng (khoảng 200 doanh nghiệp). Việc sửa đổi Nghị định 06 sẽ làm rõ các chủ thể tham gia trao đổi tín chỉ các-bon, bao gồm các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, các tổ chức có chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi và bù trừ tín chỉ các-bon, các tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon. Như vậy, Nghị định 06 sửa đổi đã đưa ra các quy định chi tiết hơn về các chủ thể tham gia thị trường các-bon để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của thị trường tín chỉ các-bon theo đúng kế hoạch quốc gia và các cam kết quốc tế.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, theo lộ trình đề ra, Việt Nam sẽ xây dựng, thí điểm và vận hành một sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trong giai đoạn 2025-2027, song song cùng với các hoạt động hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Sàn giao dịch tín chỉ các bon sẽ chính thức hoạt động từ 2028.
Việt Nam đang tiến tới liên kết với các thị trường carbon quốc tế theo Điều 6 của Hiệp định Paris, cũng như với các thị trường carbon tự nguyện. Xuyên suốt sự kiện, các đơn vị phát triển dự án hàng đầu, các quốc gia mua tín chỉ carbon và các chuyên gia quốc tế đã trình bày các yêu cầu để tham gia Điều 6 và các yếu tố thành công trong việc phát triển các dự án carbon chất lượng cao.
Ông Dirk Forrister, Giám đốc điều hành của IETA, cho biết: “Các thị trường carbon quốc tế theo Điều 6 có thể giúp chuyển dòng tài chính cần thiết từ các quốc gia phát triển sang các quốc gia đang phát triển, thúc đẩy sự phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Là một hiệp hội công nghiệp quốc tế, IETA đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các cách tiếp cận hợp tác này, giúp thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn.”
Các doanh nghiệp quốc tế, bao gồm ACT Commodities, ALLCOT, bp, Ecosecurities, Rabobank Acorn, S&P Global, Shell, South Pole và STX Commodities đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định về quy định để tạo ra niềm tin cần thiết và sự ổn định để các khoản đầu tư quy mô lớn vào công nghệ carbon thấp có thể thành hiện thực. Các đại đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh nhu cầu tiếp tục xây dựng năng lực và hợp tác tại Việt Nam, vì các khái niệm về kiểm kê khí nhà kính, giao dịch phát thải và thị trường carbon vẫn còn mới đối với nhiều công ty ở đây.
Ông Phạm Văn Tiến, Quản lý của Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành, cho biết, Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành là một trong 200 doanh nghiệp phát thải chủ yếu, và chúng tôi rất quan tâm đến việc tham gia vào giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và thị trường tín chỉ carbon. Khoá đào tạo đã rất hiệu quả đối với chúng tôi, khi chúng tôi được cập nhật về các quy định hiện hành và có được những thông tin về hướng phát triển của thị trường carbon tại Việt Nam.
"Tôi cũng rất đánh giá cao những bài học được chia sẻ từ thị trường tuân thủ và các cuộc thảo luận với các tổ chức thương mại quốc tế, điều này giúp tôi hiểu rõ hơn cách các công ty có thể chuẩn bị và phát triển với ETS. Tôi hy vọng rằng, khi khung pháp lý điều chỉnh thị trường tín chỉ carbon được hoàn thiện, IETA và VCCI có thể cung cấp thêm các chương trình đào tạo chuyên sâu hơn để giúp chúng tôi tham gia hiệu quả hơn trong lĩnh vực này", ông Tiến nhấn mạnh.