Kết nối doanh nghiệp, định hướng phát triển ngành logistics năm 2022

Định hướng phát triển ngành logistics trong năm 2022, các doanh nghiệp cùng nhau hợp tác để phát triển ngành logistics của Việt Nam nói chung trong năm mới, khôi phục và phát triển thị trường mới.

Bên cạnh yếu tố thiếu hụt về nguồn cung và lao động vận tải toàn cầu nói chung, chi phí vận tải biển vẫn tiếp tục tăng cao, tăng kỷ lục và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, nhưng các doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn trụ vững, góp phần duy trì và ổn định chuỗi cung ứng, đảm bảo cho nền kinh tế đất nước vẫn tăng trưởng dương.

Năm 2022 được dự báo sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành logistics, đòi hỏi các doanh nghiệp logistics Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn nữa, tăng cường liên kết nội khối mới có thể tiếp tục vượt qua được thách thức.

Nỗ lực vượt khó

Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), năm 2021, đại dịch COVID-19 tái bùng phát mạnh tại các nước, đặc biệt là tại châu Á, đã tạo ra những nút thắt mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gián đoạn, kéo theo hoạt động logistics cũng bị gián đoạn.

Định hướng phát triển logistics Việt Nam 2022

Định hướng phát triển logistics Việt Nam 2022

Việc không thống nhất giữa các địa phương, cước vận tải biển tăng phi mã, thiếu hụt vỏ container rỗng,… đã tác động lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp logistics Việt Nam.

    Đến thời điểm hiện tại, đại dịch lại có nguy cơ bùng phát trở lại do biến chủng mới, đe dọa, kìm hãm sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

    Bên cạnh yếu tố thiếu hụt về nguồn cung và lao động vận tải toàn cầu nói chung, chi phí vận tải biển vẫn tiếp tục tăng cao, tăng kỷ lục và chưa có dấu hiệu dừng lại.

    Theo thống kê của VLA, giá cước vận tải biển trung bình container loại 40 feet đã tăng gấp 5 lần so với năm ngoái và tăng gấp 6 lần so với 2 năm trước.

    Mặc dù hiệp hội cùng các bộ ngành đã có những tác động nhất định, nhưng vẫn chưa thể bình ổn được giá cước.

    Tuy nhiên, do đã có kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh từ năm 2020, các doanh nghiệp logistics Việt Nam đã thích nghi và vẫn duy trì được chuỗi cung ứng.

    Vận chuyển hàng hóa năm 2021 tăng 14,6% so với năm 2020 với nhiều sáng tạo như chuyển đổi máy bay chuyên chở hành khách sang chở hàng hóa; mở tuyến vận tải đường biển từ Việt Nam đến Ấn Độ; cùng nhiều giải pháp sáng tạo trong giao hàng chặng cuối, hỗ trợ người dân trong thời gian giãn cách…, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021 ước đạt vượt 600 tỷ USD.

    Ông Hiệp cho rằng sự kiện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) khai trương thành công tuyến vận tải biển đi Ấn Độ, cùng với sự tiến bộ không ngừng của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam trong vận chuyển container nội địa là cơ sở, bước đi vững chắc để có thể tiến đến chạy nội châu Á và các tuyến xa hơn, góp phần giúp Việt Nam chủ động trong hoạt động xuất nhập khẩu, kết nối quốc tế, giảm giá thành vận tải quốc tế và cũng là giảm chi phí logistics, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa và doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

    Ở góc độ chuyên gia tư vấn chính sách, bà Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng năm 2021 và ngay cả đầu năm 2022, logistics vẫn luôn là những câu chuyện nóng nhất. Điển hình như tình hình tắc nghẽn tại các chuỗi vận tải Á-Âu cũng như những tuyến khác xa hơn, và gần đây nhất là tình hình tắc nghẽn tại biên giới đường bộ Việt-Trung.

    Bà Thủy chia sẻ trong tất cả các phát biểu của các hiệp hội ngành hàng trong các kỳ giao ban với Chính phủ, vấn đề được nhắc đến nhiều nhất vẫn là áp lực liên quan đến logistics, vận tải và giao thương.

    Nhưng đáng mừng là Hiệp hội VLA cùng các doanh nghiệp logistics đã góp phần gánh vác, chia sẻ cùng các hiệp hội ngành hàng khác tìm ra các giải pháp để tối ưu hóa hoạt động logistics, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian; kiến nghị với nhà nước những vấn đề mang tính chiến lược, góp phần duy trì và ổn định chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh rất cam go do dịch bệnh gây ra.

    Định hướng phát triển ngành logistics Việt Nam 2022, tạo đột phá

    Định hướng phát triển ngành logistics Việt Nam 2022, tạo bước đột phá trong năm mới 

    Liên kết để đối đầu thử thách

    Theo bà Phạm Ngọc Thủy, năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp bởi các biến thể mới. Chính quyền và thị trường có thể có các phản ứng nằm ngoài dự liệu và tầm với của doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp logistics cần phải chủ động đối mặt để vượt qua.

    Để làm được việc này, các doanh nghiệp logistics cần chủ động gắn kết, phối hợp tốt với nhau, tìm ra những lời giải ở góc độ chính sách và thực tiễn để tối ưu hóa mọi giải pháp trong phạm vi có thể.

    Ban IV cam kết luôn đồng hành với Hiệp hội VLA và các doanh nghiệp logistics mang lại lợi thế cạnh tranh tốt nhất cho doanh nghiệp, hàng hóa và thị trường Việt Nam.

    Dự báo xu hướng phát triển của ngành dịch vụ logistics trong tương lai gần, theo ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần GEMADEPT, xu hướng thương mại điện tử, xu hướng tích hợp sẽ tiếp tục phát triển và đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình logistics từ truyền thống sang logistics hiện đại.

    Các công ty logistics lớn, đặc biệt là các hãng tàu, sẽ tích hợp các hoạt động trên biển, trên bộ, trên không thành một chủ thể đồng bộ. Với lợi thế về công nghệ, nền tảng kết nối (platform) hiện đại, họ sẽ có khả năng chiếm lĩnh thị phần lớn cả quốc tế lẫn nội địa.

    Trong khi đó, từ 1-2 năm tới, dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng bất lợi đến các chuỗi cung ứng và hoạt động logistics.

    Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam do đã có kinh nghiệm vượt qua năm 2020, 2021.

    Các doanh nghiệp cần chủ động lựa chọn hướng đi và phương án đối phó phù hợp; đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng cường liên kết, hợp tác với nhau; tính toán hợp tác với các công ty lớn để có thể thích ứng linh hoạt, tận dụng được lợi thế và cơ hội phát triển.

    Nhận định về cơ hội đầu tư trong bối cảnh hiện nay và tương lai gần, từ 3-5 năm tới, ông Đặng Vũ Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kho vận miền Nam (SOTRANS), cho rằng các doanh nghiệp vẫn còn cơ hội khá tốt để đầu tư phát triển hạ tầng logistics ở Việt Nam. Do ngành dịch vụ logistics đang thiết lập một mặt bằng giá mới rất rõ ràng. Nếu đầu tư càng nhanh, càng có thể tạo dựng được lợi thế cạnh tranh trong tương lai.

    Ông Thành lưu ý các doanh nghiệp có thể lấy kho làm nền tảng để xây dựng mang lưới nhân lực, công nghệ xoay quanh kho; nắm bắt dòng dịch chuyển của hàng hóa, nhân sự, công nghệ để nắm bắt được những vị trí tốt nhất, ít nhất phải đáp ứng được 2 điều kiện một là phải tiện lợi từ góc độ kết nối vùng miền và các cửa ngõ quốc gia. Bên cạnh đó, phải đủ quy mô để có thể tận dụng lợi thế giảm giá thành.

    Dự báo về tình hình vận tải biển, bà Võ Phương Lan, Trưởng Ban Vận tải của VLA, nhận định các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối mặt với khó khăn trong tháng Một và tháng Hai. Do giá cước vận tải biển đang tăng trở lại sau khi có chiều hướng giảm trong tháng 10 và tháng 11.

    Cụ thể, giá cước đi bờ Đông nước Mỹ hiện đã tăng lên từ 21.000-22.000 USD. Số chỗ trống cho mức giá từ 17.000-18.000 USD hiện rất hiếm.

    Giá cước đi bờ Tây nước Mỹ cũng đã tăng lên 19.000 USD và vẫn còn hơn 100 tàu đang xếp hàng ngoài khơi bờ Tây.

    Trong khi đó, Mỹ vừa trải qua kỳ nghỉ Tết dương lịch dài. Tốc độ giỡ hàng rất chậm. Thời gian để tàu quay đầu từ Mỹ về phải mất khoảng 3 tháng. Mặc dù trên 65% tàu từ Mỹ về là chở container rỗng, nhưng số vỏ rỗng này sẽ bị ưu tiên giỡ trước khi tàu cập cảng Trung Quốc, Thái Lan, gây thiếu hụt vỏ rỗng khi về Việt Nam.

    Hãng tàu SMC là hãng tàu lớn nhất thế giới nhưng hiện nay vẫn thiếu vỏ rỗng về Việt Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh.

    Do vậy, bà Lan khuyến nghị các doanh nghiệp logistics cần thông báo cho khách hàng đối tác chủ động có kế hoạch sản xuất, xuất nhập khẩu phù hợp.

    Kiến nghị các giải pháp với Chính phủ nhằm tạo điều kiện thúc đẩy cho ngành logistics Việt Nam phát triển, ông Lê Duy Hiệp cho biết cần phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ; phát triển các doanh nghiệp vận tải biển, vận tải hàng không mang thương hiệu Việt Nam; phát triển các doanh nghiệp logistics mũi nhọn trên lĩnh vực logistics tích hợp 3PL-4PL, logistics phục vụ thương mại điện tử, các trung tâm logistics tại thị trường nước ngoài…

    Ngoài ra, để tăng cường sức mạnh cho Hiệp hội và ngành logistics Việt Nam, VLA sẽ tập trung phát triển hội viên tiềm năng; tăng cường các hoạt động kết nối, quảng bá cho hội viên; tăng cường hợp tác quốc tế; triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và Dự án xây dựng bộ Chỉ số logistics cấp tỉnh (LCI).

    VLA ủng hộ việc thành lập và sẽ phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội logistics địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng để phát huy sức mạnh tổng hợp, ông Hiệp nhấn mạnh.


    Theo Minh Hưng (TTXVN)

    Link bài gốc: https://www.vietnamplus.vn/lien-ket-de-tiep-suc-phat-trien-nganh-logistics-trong-nam-2022/767323.vnp

     

    Các tin đã đưa

    HỘI VIÊN