Theo quyết định 323 ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố Hải Phòng thì đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng sẽ có 6 trung tâm logistics, trong đó có một trung tâm logistics cấp vùng (cấp khu vực), 4 quy hoạch logistics cấp tỉnh, 1 quy hoạch trung tâm logistics đặc thù (Cảng hàng không quốc tế Cát Bi).
Được biết, Hải Phòng hiện có hai trung tâm logistics được đăng ký trên đăng ký kinh doanh đó là GLC của Viconship với diện tích 9,1 ha và Yusen, là nhà đầu tư nước ngoài với 10 ha, trong đó kho bãi khoảng 20.000 m2 còn lại là bãi đỗ xe. Với những quy mô nhỏ và đặc thù như vậy, những trung tâm này họ chỉ nhằm mục đích phục vụ cho một nhóm nhỏ nhất định, ví dụ Yusen chỉ phục vụ cho một số doanh nghiệp FDI của Nhật. Bên cạnh hai trung tâm logistics này, cũng có nhiều doanh nghiệp tự phát đầu tư, nhiều tổ hợp từ kho bãi khá lớn nhưng cũng chưa đủ tầm để gọi là trung tâm logistics, chưa xứng tầm với tinh thần trung tâm logistics quốc gia, trung tâm logistics quốc tế như kỳ vọng của thành phố.
Ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội logistics Hải Phòng
Thay mặt Hiệp hội Logistics Hải Phòng, ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phong mong muốn Sở Công Thương Hải Phòng chia sẻ về hiện trạng quy hoạch, định hướng trung tâm logistics trên địa bàn thành phố. Dựa trên quy hoạch tổng thể, HPLA cũng như các doanh nghiệp logistics Hải Phòng sẽ cùng bàn với nhau để lên phương án xây dựng trung tâm logistics thành phố một cách tốt nhất. Ông Dũng cũng đề xuất thành phố cũng như Sở Công Thương Hải phòng có chế độ, chính sách ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp logistics tại thành phố tham gia cùng đầu tư xây dựng một trung tâm logistics xứng tầm.
Ông Nguyễn Văn Thành, GĐ Sở Công Thương điều phối hội nghị đối thoại với doanh nghiệp logistics Hải Phòng
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thành, GĐ Sở Công Thương Hải Phòng khẳng định một thực tế, nếu không có chế độ ưu đãi thì các doanh nghiệp logistics của Hải Phòng sẽ rất khó phát triển lớn mạnh. Ông Thành thông tin hiện Hải Phòng đang tiếp nhận đề xuất của 9 đơn vị đăng ký tham gia vào các dự án phát triển logistics tại Hải Phòng. Trong quy hoạch chung, Hải Phòng sẽ dành quỹ đất 2000-2500 ha để phát triển trung tâm logistics. Chủ trương của Chính phủ và thành phố là đầu tư các trung tâm logistics là nguồn vốn là của các nhà đầu tư, Chính phủ kêu gọi chứ không dùng ngân sách nhà nước. Vì vậy sẽ có cả các tập đoàn trong và ngoài nước tham gia. Những tập đoàn doanh nghiệp lớn đầu tư vào với các quy mô khác nhau, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội để gặp gỡ, kết nối phát triển logistics. Cùng với đó, Hải Phòng sẽ đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, cho phép Hải Phòng phát triển khu thương mại tự do.
Một trong những vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm tại hội nghị đó là vận tải thủy nội địa, vận tải xanh. Hải Phòng có đủ năm phương thức vận chuyển, thế nhưng có tới hơn 80% sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng đều tiếp tục được lưu chuyển bằng đường bộ. Trong khi đó, vận tải thủy nội địa với nhiều ưu điểm, đặc biệt giúp giảm chi phí 20-25%, còn rất nhiều tiềm năng so với vận tải đường bộ lại chưa được phát huy.
Tại hội nghị, ông Lê Mạnh Cương - Giám đốc Công ty CP Logistics và Khai thác cảng LOKAPORT, Phó Chủ tịch HPLA cho biết, các sà lan khi đến cảng thường xuyên phải đợi không được cập cầu cảng làm hàng do cảng ưu tiên khai thác các tầu biển lớn trước, vì vậy làm tăng thời gian vận chuyển lên gấp 3,4 lần so với đường bộ. Ông Cương đề nghị thành phố xem xét tạo điều kiện quy hoạch một số bến nhỏ đủ để sà lan cập vào tập kết hàng hóa để sà lan được chạy theo đúng lịch trình và hàng hóa cũng thuận tiện để xuất thẳng lên tầu biển.
Bên cạnh đó ông Cương bày tỏ niềm vui khi được sự quan tâm của Thành Phố đã giảm 50% phí cơ sở hạ tầng đối với hàng hóa được vận chuyển bằng đường thủy nội địa thông qua khu vực cảng Hải Phòng, đây là một động lực lớn để thúc đẩy và dần dịch chuyển hàng hóa sang đi bằng đường thủy nội địa. Tuy nhiên khi TP giảm 50% phí cơ sở hạ tầng thì đồng thời một số doanh nghiệp khai thác cảng biển tại HP lại tính tăng phụ thu xếp dỡ từ Sà Lan Bãi cao hơn cả phần được thành phố giảm. Như vậy tạo ra rào cản cho các doanh nghiệp làm vận tải thủy tăng chi phí rất khó để thuyết phục khách hàng. Vì vậy ông Cương đề nghị thành phố có ý kiến với các doanh nghiệp khai thác Cảng xem xét không tính phụ thu đối với hàng hóa xếp sà lan để tạo điều kiện cho phát triển vận tải thủy nội địa, vận tải xanh.
Ông Cương cũng đề xuất Sở Công thương Hải Phòng sớm kết nối triển khai cho doanh nghiệp hội viên HPLA là công ty CP vận tải 1 Traco- đơn vị có đủ năng lực làm tuyến vận tải liên vận giữa Việt Nam-China theo nội dung nghị định thư kí kết giữa 2 nước. Dự án này sẽ mở ra cơ hội vận tải liên vận, giúp giảm tác nghiệp xếp dỡ tại điểm trung chuyển tại cửa khẩu góp phần giảm chi phí logistics tăng tính cạnh tranh. Giám đốc Sở Công thương cho biết sẽ sớm lên kế hoạch làm việc với Bộ Công Thương, Bộ ngoại giao, Bộ GTVT và xây dựng chương trình công tác với các tỉnh giáp biên giới về vấn đề này.
Liên quan đến vận tải thủy nội địa, theo thông tin từ ông Trần Tiến Dũng, HPLA cũng đang xây dựng và phát triển dự án vận tải đường thủy để đóng góp cho sự phát triển chung của ngành logistics. Ông Dũng cũng bày tỏ mong muốn Sở Công Thương Hải Phòng sẽ là cầu nối để kết nối với các tỉnh thành để đẩy mạnh vận tải thủy nội địa Hải Phòng và khu vực phía Bắc trong thời gian tới.
HPLA đang phát triểt tuyến vận tải thủy nội địa khu vực phía Bắc
Giám đốc Sở Công Thương cũng đồng quan điểm cho rằng Hải Phòng có lợi thế về vị trí địa lý sông ngòi, sông ngòi nối với khu vực cảng biển, tạo ra cơ hội vận tải đường thủy, tiết kiệm chi phí, đặc biệt là chi phí bảo vệ môi trường, giảm thiểu ách tắc, xuống cấp của giao thông đường bộ. Ông khẳng định Sở Công Thương Hải Phòng sẽ tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và sẽ bàn bạc với các cơ quan quản lý nhà nước của Hải Phòng để phối hợp mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Ông Thành nhấn mạnh, đây chính là bước khởi đầu hình thành dịch vụ logistics đường thủy, phát triển vận tải xanh. Sở Công thương sẵn sàng đồng hành để phát triển tuyến vận tải thủy nội địa này.
Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp logistics về các vấn đề nóng khác như chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực logistics hiệu quả, gắn với thực chất, xây dựng cơ sở số hóa dữ liệu logistics…Lãnh đạo Sở Công Thương Hải Phòng cam kết sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến đề xuất của doanh nghiệp, xây dựng công tác quản lý phù hợp, tháo gỡ nút thắt, phục vụ doanh nghiệp logistics kịp thời nhất có thể.