Cần tạo ra bước phát triển đột phá

Góp ý vào dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045, đại diện doanh nghiệp cho rằng, bản chiến lược này cần phải tạo ra bước phát triển đột phá thông qua xây dựng các cảng mở, khu thương mại tự do, chính sách thu hút đầu tư...

Tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 15% - 20%

Tại cuộc họp góp ý vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045 (gọi tắt là dự thảo Chiến lược) do Bộ Công thương tổ chức chiều 25.3, ông Bùi Bá Nghiêm, Cục Xuất nhập khẩu - Phó trưởng Ban soạn thảo Chiến lược, cho biết: so với dự thảo lần trước, dự thảo lần này có một số điều chỉnh.

Cụ thể, Ban soạn thảo đã gộp dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược và dự thảo Quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động thành một dự thảo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược; trong đó phần Phụ lục đã lồng ghép các nhiệm vụ, đề án ưu tiên giai đoạn 2025 - 2035 và các giải pháp, nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động. Như vậy có thể triển khai ngay khi Chiến lược được Thủ tướng phê duyệt.

Dự thảo lần này cũng điều chỉnh một số mục tiêu phát triển. Cụ thể, đến năm 2035, đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 6% - 8%; tốc độ tăng trưởng trung bình của dịch vụ logistics hàng năm đạt 15% - 20%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 70% - 80% (thay vì 60 - 70% như dự thảo trước); chi phí logistics giảm xuống tương đương 12% - 15% GDP (thay vì 16 - 18%); xếp hạng theo chỉ số LPI (do Ngân hàng Thế giới công bố) trên thế giới đạt thứ 35 trở lên (thay vì đạt thứ 45 trở lên).

Đáng chú ý, dự thảo bổ sung một số chỉ tiêu đến năm 2035. Cụ thể, 80% doanh nghiệp logistics sử dụng các giải pháp chuyển đổi số; 30% số phương tiện của doanh nghiệp logistics chuyển sang sử dụng năng lượng xanh; 70% người lao động trong ngành logistics được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó 30% có trình độ đại học trở lên.

Giai đoạn đến năm 2045, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 12% - 15%; tốc độ tăng trưởng trung bình của dịch vụ logistics hàng năm đạt 10% - 12%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 80% - 90%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 10% - 12% GDP; 100% phương tiện vận tải của doanh nghiệp logistics chuyển sang sử dụng năng lượng xanh...

Ảnh minh họa TTXVN

Làm rõ chỉ tiêu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản đồng tình với dự thảo Chiến lược và kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy ngành logistics phát triển tương xứng tiềm năng. Tuy vậy, một số chỉ tiêu khiến nhiều đại biểu băn khoăn.

Ông Ngô Khắc Lễ, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, một trong những định hướng của dự thảo Chiến lược là “hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics”.

Tuy nhiên, chỉ hoàn thiện thể chế là không đủ mà cần phải tạo đột phá để có những động lực mới, qua đó nâng cao tính cạnh tranh cũng như giá trị gia tăng cho ngành logistics.

Việc tạo đột phá đó phải được thể hiện bằng các nhiệm vụ cụ thể, như xây dựng các cảng mở, khu thương mại tự do mà hiện nay quy định của pháp luật cho những lĩnh vực này còn chưa có hoặc chưa đầy đủ; có các chính sách thu hút đầu tư, tạo thuận lợi hóa thương mại, hay thành lập Ủy ban Logistics Quốc gia..., ông Lễ nhấn mạnh.

Liên quan đến đào tạo nhân lực, dự thảo xác định giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đẩy mạnh đào tạo nghề về logistics chất lượng cao ở cấp trung học, cao đẳng.

Ông Lễ cho biết, hiện đã có bộ giáo trình đào tạo của Liên đoàn Các hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) và của khu vực ASEAN đều được chuyển giao cho Việt Nam. Đây là những nền tảng có sẵn, phù hợp với nghề và theo tiêu chuẩn quốc tế đã được công nhận rộng rãi, Việt Nam có thể sử dụng luôn, thay vì xây dựng bộ giáo trình, chương trình đào tạo với tiêu chuẩn mới của riêng Việt Nam.

Cũng theo ông Lễ, mục tiêu tốc độ tăng trưởng trung bình của dịch vụ logistics giai đoạn đến 2035 đạt 15% - 20% là quá cao, nên điều chỉnh giảm xuống 12 – 15% để bảo đảm tính khả thi.

Bà Chu Thị Tuyết Mai, Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông lưu ý, dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu 80% doanh nghiệp logistics sử dụng các giải pháp chuyển đổi số, cần làm rõ giải pháp chuyển đổi số là gì.

Lý do là hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đã sử dụng phần mềm kế toán Misa và đây cũng là giải pháp chuyển đổi số. Nếu không làm rõ nội hàm của chỉ tiêu thì mục tiêu 80% doanh nghiệp chuyển đổi số có thể đạt được ngay từ năm 2025, đồng nghĩa việc đặt ra mục tiêu này vào năm 2035 sẽ không còn ý nghĩa.

Bên cạnh đó, chỉ tiêu 70% người lao động trong ngành logistics được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó 30% có trình độ đại học trở lên cũng cần định lượng rõ trình độ “chuyên môn kỹ thuật” là những ngành gì để thuận tiện cho công tác thu thập và tính toán chỉ tiêu.

Về các nhiệm vụ, giải pháp, dự thảo Chiến lược đã giao rõ cho các bộ, ngành liên quan, trong đó có nhiệm vụ chuyển đổi số logistics giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì. Tuy nhiên, theo bà Mai, việc chuyển đổi số của ngành nào phải do ngành đó chủ trì, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đóng vai trò phối hợp, hỗ trợ thực hiện thì mới đạt kết quả tối ưu. Vì thế, dự thảo cần xác định rõ vai trò chủ trì nhiệm vụ cụ thể và đơn vị phối hợp, có kết quả cụ thể.

Đại diện Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đề nghị, hiện nay, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu, trong bối cảnh đó, xanh hóa logistics từ kho vận, thanh toán, giao nhận là đương nhiên.

Tuy nhiên, mục tiêu về phương tiện vận tải chuyển sang sử dụng năng lượng xanh cần phải xác định lại, bởi phương tiện vận tải xanh còn phải sử dụng cả kết cấu hạ tầng cho giao thông xanh. Chuyển đổi xanh là một tiến trình, vì thế Ban soạn thảo nên cân nhắc cả chỉ tiêu định tính lẫn định lượng, trong đó những chỉ tiêu liên quan đến chuyển đổi xanh “không nhất thiết phải có những con số chính xác”.

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải cho biết, Ban soạn thảo sẽ cân nhắc tiếp thu để hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ trong quý II.2024.

 

Nguồn: daibieunhandan.vn

 

 

Related news

HỘI VIÊN