Doanh nghiệp lo tăng chi phí, phạt hợp đồng

Nếu đề xuất cấm đường xe tải vào cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất được áp dụng, nhiều doanh nghiệp vận tải và logistics sẽ bị tăng chi phí gấp 3 lần, chưa kể nguy cơ không bắt kịp chuyến bay, bị phạt hợp đồng…

Cấm đường để giảm ùn tắc

Mới đây, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh đề xuất phương án hạn chế xe tải đi lại qua khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) nhằm kéo giảm nguy cơ ùn tắc giao thông tại đây.

Cụ thể, từ 1.9 tới, cấm xe ô tô tải lưu thông trong khoảng thời gian từ 6 - 20 giờ trên đường Trường Sơn, nhánh Bạch Đằng (đoạn từ đường Hồng Hà đến đường Trường Sơn) và nhánh Hồng Hà (đoạn từ đường Trường Sơn đến đường Hồng Hà). Từ 1.1.2025, thời gian cấm xe ô tô tải lưu thông trên các tuyến đường này kéo dài từ 6 - 22 giờ. Hiện nay, xe tải vẫn được hoạt động tại khu vực này trong khung giờ từ 9 - 16 giờ.

Mật độ phương tiện lưu thông trên trục đường trước sân bay Tân Sơn Nhất khá lớn nên thường ùn tắc giao thông. Ảnh: Báo Lao động

Lý giải về đề xuất này, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ cho biết, mật độ xe cộ đi lại trên đường Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng rất lớn, vượt quá khả năng thông hành của tuyến. Bên cạnh đó, xe tải phục vụ vận chuyển hàng hóa cho sân bay Tân Sơn Nhất đi lại quá cảnh qua cổng sân bay trên các tuyến đường ảnh hưởng đến giao thông khu vực và mỹ quan đô thị.

Trung tâm cũng đưa ra lộ trình lưu thông thay thế cho xe tải; đồng thời đề nghị Cảng hàng không miền Nam khuyến nghị các kho, bãi phục vụ sân bay Tân Sơn Nhất chuyển đến các địa điểm khác như đường Thăng Long (gần đó) để tránh bị ảnh hưởng việc cấm tải.

Đề xuất giữ nguyên giờ cấm xe tải

Đề xuất trên được kỳ vọng sẽ kéo giảm ùn tắc tại khu vực này, song lại khiến các doanh nghiệp vận tải và logistics lo lắng.

Một doanh nghiệp làm dịch vụ vận tải hàng không gần sân bay Tân Sơn Nhất lo ngại, việc cấm xe tải sẽ làm "gần như tê liệt luồng hàng xuất nhập vào hai kho hàng TCS và SCSC". Doanh nghiệp dự tính sẽ phải đưa hàng vào nhà máy khi đêm xuống, nhưng ban đêm nhiều nhà máy lại không đóng gói hàng hóa. Điều này đồng nghĩa, chi phí neo xe tải, phí tăng ca cho tài xế tăng cao; phải đóng tiền phục vụ hàng hóa ban đêm theo biểu giá của ga hàng hóa; phát sinh chi phí hải quan làm việc ngoài giờ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tăng cường nhân sự các bộ phận để làm chứng từ vào ban đêm làm gia tăng chi phí tăng ca, chi phí thuê văn phòng. Chưa kể, với những lô hàng đi vào thứ bảy, hải quan chỉ làm nửa buổi sáng, như vậy hàng hóa gấp sẽ không thể làm vào ngày này.

Theo ước tính của doanh nghiệp, phí neo xe tải, lưu kho hàng hóa, tăng ca tài xế sẽ tăng 150%; chi phí tăng ca các bộ phận liên quan, chi phí vận hành ban đêm tăng 200%; chi phí làm hàng ban đêm tăng từ 50 - 150%. Không những thế, doanh nghiệp có nguy cơ đối mặt với chi phí hủy chỗ chuyến bay của hãng hàng không (bằng 100% tiền cước); các lô hàng bình thường sẽ bị trì hoãn ít nhất 1 ngày, có kiểm hóa là 2 ngày, đi cuối tuần thì trì hoãn 4 ngày; các dịch vụ như đóng kiện, kiểm dịch, chứng thư, giao hàng bị trì hoãn từ 1 - 3 ngày. Nguy cơ không bắt kịp chuyến bay, có thể bị phạt hợp đồng rất hiện hữu.

Tương tự, đại diện một doanh nghiệp làm dịch vụ logistics cho trái cây rau củ, có trụ sở tại quận Tân Bình lo lắng, nếu cấm xe tải vào đường Trường Sơn thì mọi hoạt động của công ty khi đưa hàng hóa xuất khẩu vào kho hàng TCS (49 Trường Sơn) sẽ bị đình chỉ hoàn toàn.

“Hàng hóa được vận chuyển tập trung theo chuyến bay nên không thể vận chuyển tránh giờ cấm như trên. Giả sử tập kết hàng trước vào khung giờ cho phép thì kho bãi của kho hàng TCS không đủ khả năng đáp ứng cho khối lượng hàng hóa xuất khẩu của các công ty. Riêng mặt hàng tươi sống (rau củ quả, hải sản…) sẽ không thể tập kết trước thời gian dài làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Việc cấm đường sẽ tăng thêm 1 ngày cho mỗi lô hàng, chi phí tăng khoảng 200% so với chi phí bình thường hiện nay”, đại diện doanh nghiệp cho biết.

Trong văn bản kiến nghị gửi UBND TP. Hồ Chí Minh và Sở Giao thông Vận tải thành phố mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết: 100% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá việc cấm đường này nếu được thông qua sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu qua đường hàng không ở khu vực phía Nam, làm phát sinh chi phí lớn.

Đặc biệt, kho số 1 tại địa chỉ 49 Trường Sơn (kho chuyên xuất khẩu) sẽ gặp khó khăn lớn nhất khi không có đường tiếp cận vào khung giờ cấm tải. Hoạt động của cả chuỗi cung ứng sẽ chuyển hoàn toàn về ca đêm; trong khi nhà máy, kho, các dịch vụ liên quan như chiếu xạ, cơ quan quản lý nhà nước (hải quan, kiểm tra chuyên ngành) chủ yếu hoạt động theo khung giờ hành chính.

Theo tính toán sơ bộ của các doanh nghiệp, chi phí phát sinh có thể từ 30 - 300% nếu phương án khung giờ cấm tải mới được áp dụng, chưa kể chi phí bị khách hàng phạt do thời gian giao hàng chậm trễ, hàng hóa bị giảm chất lượng (đối với hàng rau, trái cây tươi và thủy sản).

Từ thực tế trên, VLA đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh, Sở Giao thông Vận tải thành phố xem xét không áp dụng phương án cấm tải mới mà giữ nguyên giờ cấm tải như hiện nay. Để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, các doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng tăng cường lực lượng, số lượng nhân sự điều phối giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời thực hiện phân luồng, điều tiết giao thông từ xa.

Về lâu dài, cần xây dựng kho hàng không nối dài ngoài khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, hoàn thiện hạ tầng giao thông như mở thêm các tuyến đường kết nối, xây cầu vượt tại các nút giao thông tại vực Tân Sơn Nhất nhằm hướng tới không còn khung giờ cấm tải tại khu vực này. “Chỉ khi không còn khung giờ cấm tải, hoạt động vận chuyển, logistics mới thực sự thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế không chỉ cho TP. Hồ Chí Minh mà còn cho cả nước”, Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp nhấn mạnh.

Nguồn: daibieunhandan.vn

 

 

HỘI VIÊN