Trục cao tốc phía Đông và cơ hội mở ra với ngành logistics

Với số lượng, quy mô các khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp lớn cùng cơ sở hạ tầng hoàn thiện sẽ là nguồn cung hàng rất lớn khi việc liên kết vùng được triển khai hiệu quả trong tương lai.

Đó là chia sẻ của ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng về tiềm năng phát triển lĩnh vực logistics tại trục cao tốc phía Đông. 

Ông Trần Tiến Dũng- Chủ tịch Hiệp hội logistics Hải Phòng

Phân tích những tiềm năng trong phát triển hạ tầng công nghiệp hiện nay, ông Trần Tiến Dũng cho biết, hệ thống giao thông phát triển đang giúp trục tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành nhân tố chính tạo động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, tạo ra “tam giác vàng” có khả năng phát triển siêu đô thị dạng dải (Megalopolis), kết nối với khu vực Quảng Tây và vùng kinh tế Quảng Đông - Hồng Kông (Trung Quốc).

Theo thống kê từ Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), tính đến đầu năm 2023, trong lĩnh vực phát triển các khu, cụm công nghiệp, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 5 khu kinh tế (KKT), 16 khu công nghiệp (KCN) và 19 cụm công nghiệp (CCN) đang được nghiên cứu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư và đang thu hút đầu tư khoảng 738 doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ.

Hải Phòng hiện có 1 KKT Đình Vũ Cát Hải và 14 KCN đang triển khai hoạt động đầu tư, qua đó thu hút hơn 687 dự án đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đạt trên 36,63 tỷ đô la Mỹ (USD), trong đó có 477 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 23,43 tỷ đô la Mỹ.

Riêng về Hà Nội, có 9 KCN đã được lấp đầy gần 100%, 1 KCN đang thu hút đầu tư và 3 KCN đã thành lập và đang trong quá trình triển khai xây dựng hạ tầng, thu hút hơn 706 dự án đang hoạt động, trong đó có 302 dự án FDI với số vốn đăng ký trên 6,4 tỷ USD; 404 dự án đầu tư trong nước (DDI) với số vốn đăng ký trên 18.600 tỷ đồng.

Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng thông tin, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên trục Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh được xem là một trong những khu vực được đầu tư hoàn thiện nhất tại vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc với tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trung bình 43% cho Quảng Ninh, 96% đối với Hà Nội và 68% là của Hải Phòng (cả nước đạt 70,9%) (theo UBND tỉnh Quảng Ninh, 2022).

Với số lượng và quy mô các KKT, KCN và CCN lớn cùng cơ sở hạ tầng hoàn thiện sẽ là nguồn chân hàng rất lớn khi việc liên kết vùng được triển khai hiệu quả trong tương lai",  ông Trần Tiến Dũng cho biết.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Nguồn: Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam (VUPDA)

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng, vai trò của liên kết vùng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đã được đặt ra trong các văn bản về phát triển kinh tế xã hội vùng và quốc gia. Nổi bật trong đó là Chỉ thị số 25/CT-TTg năm 2019 về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Bên cạnh đó, giai đoạn 2020 - 2022, Chính phủ tiếp tục ban hành các Nghị quyết số 128/NQ-CP năm 2020 về nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế trọng điểm; Nghị quyết 57/NQ-CP ngày 21/04/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội..., xác định các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm; và Nghị quyết 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các chỉ thị và nghị quyết đã tạo tiền đề giúp trục Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh được kết nối mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng với hệ thống giao thông được đồng bộ hiện đại, đầu tư xây dựng nhanh chóng.

Cần đẩy mạnh kết nối xuyên biên giới

"Hệ thống các cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Hải Phòng - Hạ Long; Hạ Long - Vân Đồn; Vân Đồn - Móng Cái được đưa vào sử dụng bên cạnh các tuyến giao thông quan trọng khác giúp kết nối các KKT, KCN, CCN với hạ tầng cảng biển, sân bay và các cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh thuận lợi kết nối với tỉnh Quảng Tây và Hành lang Thương mại Đất - Biển Quốc tế Mới (ILSTC) giữa Trung Quốc và ASEAN. Mở ra cơ hội hợp tác, trao đổi công nghệ với trung tâm logistics Trùng Khánh và các tỉnh phía Tây Trung Quốc", ông Trần Tiến Dũng thông tin.

Kết nối hạ tầng cảng biển, cửa khẩu, sân bay, đường bộ và các cao tốc. Nguồn: Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), 2023

Cũng theo ông Dũng, mặc dù hạ tầng các KKT, KCN, CCN được kết nối thuận lợi với nhau và với các cửa khẩu bằng đường bộ với hệ thống cao tốc hiện đại, nhưng theo khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI, 2022) cho thấy hàng nông thủy sản (mặt hàng xuất khẩu chính qua biên giới Trung Quốc) chỉ có 50% doanh nghiệp lựa chọn đường bộ, tức là sẽ có nhiều doanh nghiệp không chọn đường bộ là phương thức vận tải khi xuất khẩu hàng nông thủy sản. Điều này cho thấy, dịch vụ logistics phục vụ xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông thủy sản, đường bộ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa trong tương lai.

Loại hình vận tải được sử dụng khi xuất khẩu hàng nông thủy sản. Nguồn: Kết quả khảo sát của Ban Biên tập Báo cáo Logistics Việt Nam và Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam - VLI (2022)

Thông qua việc đánh giá về các lĩnh vực dịch vụ logistics có tiềm năng phát triển tại tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng đề xuất nên tận dụng sự kết nối của trục cao tốc phía Đông, bao gồm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Hải Phòng - Hạ Long; Hạ Long - Vân Đồn; Vân Đồn - Móng Cái, đến các cửa khẩu với Trung Quốc để tập trung phát triển các dịch vụ logistics như: Logistics cho thương mại điện tử; logistics xuyên biên giới (Cross border Logistics); logistics cảng biển và logistics du lịch.

"Muốn phát triển các dịch vụ này, trước mắt cần tập trung đầu tư phát triển dịch vụ logistics về hạ tầng hậu phương cảng biển; hệ thống kho lạnh phục vụ hàng nông sản; hạ tầng kho bãi và trung tâm logistics tại các cửa khẩu biên giới", ông Dũng kiến nghị.

 

Nguồn:Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam

Related news

HỘI VIÊN